Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng, giải pháp hàng đầu để phòng cháy nổ vẫn là biện pháp tuyên truyền cho từng người dân hiểu được quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC), phòng nổ trách nhiệm của từng người dân trong phong trào PCCC.
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chiều 3/12, các đại biểu đã đặt câu hỏi liên quan đến công tác và giải pháp PCCC, đặc biệt là từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến nhà cao tầng, khu chung cư, tái định cư.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề PCCC, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, đây là vấn đề nóng, đang gây bức xúc và lo lắng cho người dân. Thể chế pháp luật về PCCC đã quy định rất rõ và cụ thể về trách nhiệm của các ban, ngành, đơn vị, của chủ đầu tư và người dân.
Thành phố đã có chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, thường xuyên, sát sao, thực hiện nhiều thanh tra, phúc tra, kiểm tra và đưa ra những khuyến nghị. Tuy nhiên, vẫn xảy ra cháy vì chúng ta chưa thật sự quan tâm đến PCCC. Ở nhiều công trình, do nể nang, tiết kiệm chi phí, các thiết bị PCCC đều được thi công cuối cùng. Thành phố đã ký nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC. Nhưng cũng có khách quan là phát triển đô thị, hạ tầng và ý thức giữ gìn PCCC của mỗi người dân, tổ chức chưa thật sự cao.
Những tồn tại liên quan đến công tác PCCC
Ông Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC cho biết, những năm qua, nguy cơ cháy nổ trên địa bàn Thủ đô vẫn còn tiềm ẩn và gia tăng, do đặc điểm về phát triển kinh tế xã hội, điều kiện hạ tầng xã hội, thời tiết... Năm qua, đã xảy ra 500-700 sự cố cháy, những sự cố này cũng tiềm ẩn nguy cơ cao, nếu không phát hiện, chữa cháy kịp thời, có thể sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Vừa qua, UBND TP giao cảnh sát PCCC phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát điều tra, đánh những tồn tại của nhà chung cư liên quan đến PCCC.
Qua công tác điều tra, ngoài 643 nhà chung cư mà báo cáo của UBND TP đã nêu, Thành phố còn có 891 nhà và công trình cao tầng chuyên năng khác, trong đó có 779 công trình đã đưa vào hoạt động và 112 công trình đang thi công. Điều đáng nói, ngay cả các công trình đang thi công cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy, hỏa hoạn.
Nguyên nhân là do nhiều nhà và công trình đi vào hoạt động trước khi có Luật PCCC (Luật đi vào thực hiện năm 2001). Từ đó, những quy dịnh cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu chưa được hình thành, quy định rõ ràng. Với chủ đầu tư tại thời điểm đó có thể cố tình không biết, có thể làm ngơ, miễn là sớm có giấy phép, giảm được kinh phí.
Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan do nhận thức, chạy theo lợi nhuận, bộ máy cán bộ thực thi nhiệm vụ về năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm còn hạn chế, còn yếu. Bên cạnh đó, hoạt động của ban quản trị nhà chung cư còn rất yếu, cả về chuyên mô nghiệp vụ và nhận thức trách nhiệm.
Ông Định cho rằng công tác khảo sát điều tra cơ bản phải đánh giá kỹ càng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân khách quan chủ quan, tồn tại lịch sử. Trên cơ sở đó phân định rõ toà nhà nào, chung cư nào có trước Luật, sau Luật, cái nào đã hoạt động, chưa hoạt động, mức độ sai phạm, khả năng phắc phục, phạm vi trách nhiệm và phạm vi liên quan.
Gần 1.200 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị cho lực lượng PCCC
Tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, Thành phố Hà Nội đã tăng cường đầu tư trang thiết bị cho lực lượng PCCC. Thời gian qua, Thành phố đã chi gần 1.200 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị cho lực lượng PCCC và đã có 2 gói thầu thiết bị được bàn giao. Thành phố đang tổ chức đấu thầu trang thiết bị cho PCCC một số quận, huyện với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng.
Đặc biệt, Thành phố cũng đã có quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở PCCC trên địa bàn, tất cả các quận, huyện đều sẽ có trụ sở của lực lượng PCCC. Dự kiến trong tháng 12 này quy hoạch sẽ hoàn thiện và được phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, so với hơn 20 địa phương có thành lập riêng Cảnh sát PCCC thì Hà Nội là một trong những địa phương trang bị hiện đại, đầy đủ, đáp ứng được cơ bản yêu cầu PCCC.
Theo Giám đốc Cảnh sát PCCC Hoàng Quốc Định, kể từ khi đi vào hoạt động tháng 7/2011, lực lượng PCCC đã phát triển về mô hình tổ chức và biên chế, với 15 đơn vị tại các quận, huyện và cũng đã có mạng lưới trên cả địa bàn. Dự kiến, đến năm 2020 có từ 4.000-4.500 chiến sĩ làm nhiệm vụ PCCC.
Về trang bị phương tiện kỹ thuật, tính đến thời điểm này, Thành phố có 209 xe phương tiện chữa cháy, trong đó có 83 xe chữa cháy, 16 xe thang. Ngoài ra còn có nhiều xe tải, bán tải, cứu thương, mô tô chữa cháy,.... So với thời kỳ trước khi thành lập, trang bị của cơ quan PCCC đã được nâng lên đáng kể, hiện đại.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền PCCC cho người dân
Về các giải pháp căn cơ, lâu dài, bền vững cho công tác PCCC, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, vẫn là biện pháp tuyên truyền cho từng người dân hiểu được quy định pháp luật về PCCC, trách nhiệm của từng người dân trong phong trào PCCC. Giải pháp này vẫn là hàng đầu mà Hà Nội thường xuyên thực hiện. Những cuộc diễn tập, tập huấn nghiệp vụ thường xuyên dược thực hiện ở các khu dân cư, đặc biệt ở những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao như khu chung cư, các trung tâm thương mại,...
Nếu từng người không có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn tài sản của mình thì việc đầu tư cho PCCC bao nhiêu cũng không đủ. Lấy phòng ngừa là chính và đây là biện pháp lâu dài, bền vững. Khi xảy ra cháy thì dù trang bị hiện đại, đông đảo lực lượng thì cũng khó mà cứu chữa kịp thời.
Bên cạnh đó, giải pháp cũng đặc biệt quan tâm, đó là 4 tại chỗ gồm: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Ngoài ra, cần có nhiều giải pháp đi kèm như trách nhiệm người đứng đầu, cơ quan tổ chức...
Trong bối cảnh giao thông đi lại khó khăn, ngoài thực hiện phương án 4 tại chỗ, Giám đốc Cảnh sát PCCC đề nghị UBDN các cấp, ngành chức năng thật sự quan tâm chăm lo cho lực lượng ban quản trị các toà nhà chung cư để nâng tính chuyên nghiệp trong công tác PCCC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét