Một ngư dân xã Ngư Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa) cho biết: "Cách đây 8 năm, nếu không nhờ thông tin cứu nạn của ông Lưu thì chúng tôi đã không thể về đất liền..."
Bán cả nhẫn cưới xây đài… báo bão
Ông Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc - Nguyễn Văn Quang đánh giá: “Ông Lưu là người có tinh thần xây dựng rất cao, được bà con trong thôn, xóm quý trọng, bởi trong 20 năm qua, nhờ ông mà hàng nghìn, hàng vạn lượt ngư dân đã tránh được nguy hiểm, yên bình trở về trước sóng gió. Mỗi năm, ông Lưu đã truyền đi hàng nghìn tin cứu hộ, cứu nạn trên biển. Tuy công việc thông tin cứu hộ cứu nạn, sửa chữa máy móc hầu như chiếm toàn bộ thời gian của ông Lưu nhưng ông cũng chưa được nhận bất cứ đồng lương lậu nào cả”.
Những người ở xa, không hiểu thì bảo ông Lưu là “người gàn dở” nhưng tại địa phương, ngư dân xem ông như ân nhân. Chẳng hạn, trường hợp của anh Thành (ngư dân xã Ngư Lộc) kể với PV rằng: “Cách đây 8 năm, nếu không nhờ thông tin cứu nạn của ông Lưu thì chúng tôi đã không thể về đất liền. Lúc đó, tàu của chúng tôi bị hỏng, không thể di chuyển được, lênh đênh trên biển mấy ngày trời. Biển lại nổi gió to, sóng lớn, anh em trên tàu hoang mang, lo lắng không biết làm thế nào, sực nhớ đài cứu hộ của anh Lưu, liên lạc ngay sau đó, có mấy tàu đến ứng cứu, trợ giúp chúng tôi vào bờ. Sau vụ đấy, chúng tôi thoát chết vì mấy ngày sau bão lớn đổ bộ qua”.
Rót chén trà kể về những ngày đầu xây dựng trạm phát sóng (còn gọi là đài thông tin duyên hải Ngư Lộc) của mình, ông Lưu bảo: “Để có được trạm phát sóng này, vất vả các chú ạ, nhưng mà nhìn người dân trúng vụ cá, bình yên trở về là tôi thấy vui lắm rồi”.
Ông kể: “Có lần, hơn 10 ngư dân của xã đã bỏ mạng ngoài biển khơi vì không được nghe bất cứ thông tin nào về bão gió, rồi đến trận bão lịch sử năm 1996 có đến hàng trăm người bị chết vì bão lớn đổ bộ vào đất liền Ngư Lộc. Những mất mát đó thôi thúc tôi rất nhiều, làm sao để giúp đỡ bà con, người thân trong những chuyến đi biển đầy hiểm nguy”.
Từ đó, ông Lưu đã lặn lội khắp nơi tìm mua một hệ thống đài phát sóng băng tần thấp. Sau nhiều tháng mày mò, nghiên cứu lắp ráp, từ một chiếc máy hỏng vì đã rơi xuống biển, đến ngày 25/9/1989, hệ thống thông tin liên lạc băng tần thấp (loại một băng) gồm một máy phát hiệu TUBOR 2400 MKII, công suất 3W của ông đã đi vào hoạt động.
Ông nhớ lại: “Tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật điện năm 1989, tôi trở về quê sửa chữa điện và nghiên cứu máy, rồi lấy vợ và sinh con. Thời điểm đó, vợ chồng mới cưới nhau, hoàn cảnh gia đình khó khăn, túng bấn, nhưng ý đã định trong đầu tôi rồi; đem bán hết đồ đạc được tặng như nhẫn cưới, trang sức để mua được cái máy. Rồi làm việc, lương cũng không có, lúc đó chỉ trông vào tiền vợ tôi buôn bán kiếm được trang trải cho bữa cơm, con cái học hành… Rồi đến khi vợ chắt bóp được đồng nào, tôi cũng đem vào mua những thiết bị sửa chữa cho đài phát sóng”.
Từ đó, nhà ông Lưu luôn là nơi bà con ngư dân các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Hòa Lộc, Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) gửi gắm niềm tin yêu. Họ đều tìm đến ông Lưu khi tàu, thuyền đang đánh bắt hải sản bị trục trặc máy cần tàu bạn ứng cứu, khi thì bố mẹ của ngư dân nào đó bị ốm nặng cần báo cho con ngoài khơi xa...
Dẫn chúng tôi xuống căn phòng - nơi đặt đài phát sóng, chỉ từng bộ phận, từng linh kiện nói về tác dụng của nó, ông khoe đã mua sắm được một hệ thống đài thông tin mới tương đối hiện đại gồm: Một máy ICOM IC 710 (do Nhật Bản sản xuất) có công suất 150W, cục phối AT 130, ăngten cao 10m, cục nguồn, ăcqui, loa phóng thanh. Tổng số tiền đầu tư cho hệ thống đài này gần 50 triệu đồng nhưng bằng tiền … của vợ. Hiện đài thông tin của ông Lưu đã được Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép (số 65199/GP) ở tần số A30, chiếc máy phát sóng có phạm vi hoạt động trong khoảng 40 hải lý.
Ủng hộ rồi… để đấy!
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, việc xây dựng hạ tầng đảm bảo duy trì các hoạt động của trạm phát sóng duyên hải, cũng như ổn định cuộc sống cho gia đinh anh Lưu là rất khó khăn. Hiện nay, trạm phát sóng đang xuống cấp nghiêm trọng và khả năng tự có của gia đình anh Lưu để nâng cấp là rất có hạn. Nhưng thực tế công tác thông tin tránh bão và cứu nạn trên biển đối với ngư dân và gia đình không thể gián đoạn.
Xuất phát từ thực tế đó, UBND tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện vận động từ các nguồn lực tại địa phương để hỗ trợ gia đình xây dựng lại trạm phát sóng tại xã Ngư Lộc. Trong văn bản (số 727/UBND – KTTC của UBND tỉnh Thanh Hóa) do ông Trịnh Văn Chiến (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) ký ngày 11/2/2010 gửi Văn phòng Chính phủ có đề xuất Thủ tướng Chính Phủ giao bộ Tài chính cân đối và giải quyết nguồn kinh phí phòng chống lụt bão Trung ương để xây tặng cho gia đình ông Lưu một ngôi nhà 2 tầng diện tích 160m2 (tầng 1 để ở, tầng 2 làm trạm nghiên cứu khoa học và phát sóng báo bão) và mua sắm thiết bị đồ dùng văn phòng với số kinh phí 450 triệu đồng. Ông Lưu quản lý ngôi nhà và làm nhiệm vụ báo bão, tham gia công tác phòng chống lụt bão tại vùng biển Thanh Hóa 20 năm tới (2010 – 2030), phối hợp với trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người và các cơ quan khoa học liên quan làm công tác nghiên cứu khoa học…
Đến ngày 26/2/2010, VPCP đã có văn bản (số 1209/VPCP-KTN) đề nghị các bộ, ngành có ý kiến bằng văn bản về việc hỗ trợ kinh phí xây dựng trạm nghiên cứu khoa học phát sóng báo bão.
Ngay sau đó, lần lượt các bộ, ngành (bộ Nội vụ, bộ Tài chính, bộ Kế hoạch & Đầu tư, bộ Thông tin & Truyền thông, ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương…) đều có ý kiến bằng văn bản về việc này và gửi VPCP; đa phần nhất trí với việc ủng hộ xây dựng trạm phát sóng, nghiên cứu khoa học cho gia đình ông Lưu.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc hỗ trợ cho gia đình ông Lưu dường như rơi vào quên lãng khi không có bất cứ sự giúp đỡ nào từ phía cơ quan ban ngành. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hoạt động thông tin cứu nạn cho ngư dân không thể bị gián đoạn, gia đình ông Lưu đang oằn mình duy trì hoạt động phát sóng cứu nạn, khi nó ngày một lạc hậu, xuống cấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét