Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Mũ bảo hộ lao động có được coi là… mũ bảo hiểm?

 - Khi kiểm tra, xử phạt người ngồi trên môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm (MBH), CSGT gặp nhiều trường hợp sử dụng mũ bảo hộ lao động (MBHLĐ) thay MBH và không chịu ký biên bản vi phạm. Nhiều bạn đọc cũng nêu thắc mắc mũ  bảo hộ lao động có được coi là mũ bảo hiểm?


Phóng to

Thượng tá Thân Minh Khuya (ảnh) - phó Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM - cho biết:
- Nghị định 152 của Chính phủ (về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) qui định: người điều khiển, người ngồi trên môtô, xe gắn máy lưu thông trên các tuyến đường có biển báo bắt buộc đội MBH thì phải đội MBH. Nghị định 152 không hề nhắc đến MBHLĐ.
Mặt khác, đối tượng sử dụng MBHLĐ là những người tham gia lao động trên công trình, cơ sở sản xuất (công nhân ngành điện lực, giao thông công chính, xây dựng, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường...) nhằm hạn chế tai nạn lao động chứ không phải dùng để đội ra đường như MBH. MBHLĐ chỉ là một chiếc mũ nhựa cứng, không đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng, qui cách thì làm sao ngăn chặn được chấn thương khi xảy ra tai nạn giao thông.
Qua các đợt kiểm tra, xử phạt lỗi không đội MBH, CSGT phát hiện rất nhiều người đội MBHLĐ ra đường thay vì đội MBH (tập trung trên các tuyến quốc lộ). Trong đó tỉ lệ cán bộ công chức dùng MBHLĐ thay thế MBH rất cao. Tại sao chúng ta đã ý thức được việc đội MBH là cần thiết, nhằm bảo vệ tính mạng cho mình nhưng khi thực hiện thì lại mang tính hình thức, đối phó? Trước đây, chúng tôi chỉ tập trung xử phạt các trường hợp không đội MBH mà du di cho qua các trường hợp “lách luật” đội MBHLĐ. Lần này chủ trương của ban giám đốc Công an TP là xử phạt triệt để tất cả các trường hợp không đội MBH.
* Theo ông, những tiêu chí nào để xác định MBH?
- Trước hết, MBH phải đảm bảo về chất lượng vì nếu mũ không đảm bảo chất lượng thì không thể ngăn ngừa hậu quả do tai nạn giao thông gây ra. Việc sản xuất MBH phải được xem là ngành nghề kinh doanh đặc biệt và có điều kiện. Để MBH có chất lượng, nơi sản xuất phải được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trước khi tung ra thị trường tiêu thụ, MBH phải được cơ quan chuyên môn thẩm định và dán tem kiểm định. Sau chất lượng là mẫu mã. Nhà sản xuất phải chú ý đến yếu tố này vì nếu MBH có kiểu dáng đẹp, hài hòa, tiện lợi thì mọi người sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đội ra đường.
* Trong quá trình xử lý vi phạm, CSGT có kiểm tra chất lượng MBH không?
- CSGT xử lý lỗi vi phạm không đội MBH chứ không kiểm tra về chất lượng MBH. Nếu CSGT ôm đồm vừa xử lý vừa kiểm tra chất lượng MBH thì sẽ gây phiền phức, khó chịu cho người dân. Việc kiểm tra chất lượng đã có các cơ quan chức năng khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét