Phần đông các doanh nghiệp quy mô lớn lớn đã chú trọng đầu tư cho việc thực hiện tốt công tác An toàn vệ sinh lao động. Doanh nghiệp xem việc tuân thủ pháp luật lao động là việc bảo vệ sinh mạng và sức khỏe cho người lao động là công việc thật sự cần thiết, góp phần xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững. Tuy nhiên có một số doanh nghiệp nhất là các đơn vị vừa và nhỏ chưa thật sự quan tâm thực hiện công tác An toàn vệ sinh lao động, chỉ chạy theo lợi nhuận, nếu có làm chỉ mang tính hình thức chưa đi vào chiều sâu để cải thiện điều kiện làm việc.
Hậu quả của việc xem thường công tác An toàn vệ sinh lao động là doanh nghiệp và người lao động phải đối mặt với thiệt hại không lường về tính mạng và tài sản. Ông có thể cho biết hiện tai nạn lao động ở ngành nào đang ở mức cao và nguyên nhân việc xảy ra tai nạn là gì, thưa ông?
Từ trước đến nay, tai nạn lao động trong ngành xây dựng hiện nay vẫn ở mức cao so với các loại hình hoạt động khác. Do đặc thù của lĩnh vực xây dựng, các loại tai nạn lao động thường gặp trong ngành này là điện giật, ngã cao chiếm tỉ lệ rất lớn.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động hiện nay có thể đến từ nhiều phía.
Đối với người sử dụng lao động: Không đánh giá hết những nguy cơ tiềm ẩn để đề ra biện pháp phòng ngừa; không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật nhà nước như: văn bản quy phạm pháp luật, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn liên quan đến việc thực hiện công việc; Trang bị phương tiện bào vệ cá nhân kém chất lượng dẫn đến không phòng ngừa được tai nạn lao động.
Thêm vào đó, nhiều đơn vị chạy theo lợi nhuận bỏ qua việc thực hiện công tác An toàn vệ sinh lao động, tổ chức huấn luyện An toàn vệ sinh lao động chỉ mang tính hính thức đối phó với các cơ quan thanh kiểm tra, chưa đi vào nội dung, chất lượng để nâng cao ý thức đề phòng cho người lao động.
Về phía người lao động cũng có nguyên nhân chủ quan như: Không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ các nhân do người sử dụng lao động trang bị; không tuân thủ quy trình làm việc an toàn, có ý thức chấp hành kém.
Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, ông có lời khuyên gì cho chủ doanh nghiệp và người lao động làm việc trong ngành xây dựng?
Ngành xây dựng là một ngành đặc thù, luôn đối mặt với nhiều nguy cơ có khả năng xảy ra tai nạn lao động. Do đó, để đảm bảo An toàn vệ sinh lao động trong xây dựng cần lưu ý thực hiện những công việc đã được quy định trong luật pháp như sau:
Đối với nhà thầu xây dựng: Khi xây dựng phương án thi công phải kèm theo phương án đảm bảo an toàn cho người lao động; Thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn trong xây dựng như: An toàn điện, an toàn phòng chống ngã cao, an toàn đối với máy móc cơ khí…
Doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đúng chủng loại phù hợp với công việc, đảm bảo phương tiện có chất lượng tốt. Tổ chức huấn luyện an toàn đầy đủ cho người lao động đúng thời gian và nội dung theo quy định tại Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH. Cạnh đó, thành lập Ban an toàn, cử người làm cán bộ an toàn có năng lực, thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với việc chấp hành của người lao động.
Còn đối với người lao động cần có ý thức tuân thủ các quy trình dù nhỏ nhất trong quá trình lao động. Cụ thể là thực hiện đúng phương án thi công và phương án an toàn đã được chủ đầu tư phê duyệt; sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, bảo quản tốt các phương tiện; tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện an toàn do đơn vị tổ chức; nâng cao ý thức đề phòng tai nạn lao động.
Các vụ tai nạn đáng tiếc xảy được xử lý như thế nào, việc hợp tác giải quyết giữa người sử dụng lao động và cơ quan quản lý Nhà nước để bảo vệ quyền lợi cho người lao động có được thực hiện trôi chảy không, thưa ông ?
Đối với các vụ tai nạn lao động xảy ra, khi được Đoàn điều tra tai nạn lao động thành phố tham gia điều tra từ ban đầu và ra kết luận, thì người sử dụng lao động có hợp tác với các cơ quan chức năng và có đền bù trên mức tối thiểu do nhà nước quy định. Tuy nhiên vẫn còn có trường hợp gia đình người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận không báo với các cơ quan chức năng khi xãy tai nạn lao động, dẫn đến có một vài trường hợp đền bù không đúng với quy định dẫn đến thiệt thòi cho người lao động và gia đình.
Theo ông, hiện nay những quy định về An toàn vệ sinh lao động hiện hành đã đủ để chế tài các đơn vị có hành vi vi phạm chưa?
Nhà nước đã ban hành đầy đủ các quy định liên quan đến việc thực hiện công tác An toàn vệ sinh lao động đối với các ngành nghề. Các Nghị định của Chính phủ cũng có chế tài đối với doanh nghiệp khi thực hiện không nghiêm công tác này, có nhiều mức phạt rất cao. Theo tôi nghĩ với những chế tài này đã đủ sức để phòng ngừa, răng đe các vi phạm; vấn đề là chúng ta thực hiện thế nào mà thôi.
Xin cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét