Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Lơ là công tác bảo hộ lao động

 - Là một cán bộ bảo hộ lao động của công ty xây dựng với thâm niên gần mười năm, tôi nhận thấy công tác bảo hộ lao động nói chung cũng như công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nói riêng chưa thật sự được quan tâm trong các công ty xây dựng, trong đó có công ty của tôi.
Người bạn của tôi cũng là cán bộ bảo hộ lao động trong một công ty xây dựng ở một tỉnh miền Trung kể rằng trong công ty của bạn vừa xảy ra một vụ tai nạn lao động thương tâm. Trong khi thi công lắp ráp dầm cầu, ở độ cao khoảng 1m trên dầm cầu, người công nhân đã bước hụt chân nên té ngã xuống mấy tấm cốt thép, ximăng phía dưới. Do đầu bật ngửa mạnh ra phía sau đập vào trụ bêtông, người công nhân đã chết trên đường đi cấp cứu.
Vốn là bà con trong họ của lãnh đạo công ty nên vụ tai nạn lao động này đã được âm thầm giải quyết, không báo cáo với cơ quan chức năng như quy định.
Trong trường hợp này, nếu người công nhân đó có sử dụng trang bị bảo vệ cá nhân là nón cứng bảo hộ lao động, thì chắc chắn sẽ không bị đe dọa đến tính mạng và điều đáng tiếc không xảy ra. Người công nhân này còn rất trẻ, chưa đầy 30 tuổi.
Trong những lần đi kiểm tra việc chấp hành công tác ATVSLĐ của các đội thi công công trình trực thuộc công ty tại hiện trường, tôi đã chứng kiến nhiều công nhân không sử dụng trang bị bảo vệ cá nhân khi đang làm việc. Nhiều công việc đang thi công trên cao, trên sông nước cheo leo nguy hiểm nhưng công nhân không sử dụng dây treo an toàn, nón bảo hộ hoặc áo phao...
Nhiều công nhân thường cho rằng sử dụng trang bị bảo hộ lao động rất khó khăn trong di chuyển hoặc làm việc không được nhanh nên không sử dụng. Trong khi đó, cán bộ chỉ huy tại công trình cũng làm lơ hoặc chưa chú tâm, quán triệt công tác ATVSLĐ, nhắc nhở hoặc đình chỉ công nhân nếu không sử dụng trang bị bảo hộ lao động cá nhân.
Công ty tôi chỉ có vài trăm người nhưng nhiều lúc trên công trường có cả ngàn công nhân thi công cho kịp tiến độ. Những công nhân “thêm vào” này là lao động thời vụ ở tại địa phương, họ thường không được trang bị bảo hộ lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ.
Cá biệt có trường hợp hàng trăm công nhân làm việc nặng nhọc tại công trình nhưng nhiều năm qua chưa bao giờ được khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật lao động. Nhiều lần đi thực tế, chứng kiến cảnh lơ là với ATVSLĐ, trang bị thiếu thốn của công nhân..., tôi đã phản ảnh với lãnh đạo, công đoàn cần phải có biện pháp mạnh và quan tâm hơn nữa đến điều kiện làm việc của công nhân để đảm bảo an toàn hơn, nhưng thực tế vẫn chưa được giải quyết căn cơ.
Bộ Lao động - thương binh & xã hội có đưa ra  con số giai đoạn 2010 - 2015 mỗi năm  có khoảng 170.000 người bị tai nạn lao động với 1.700 người chết, gây thiệt hại trên 2.000 tỉ đồng. Đây chỉ mới là con số dự báo dựa trên những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra được báo cáo đầy đủ và được cơ quan có thẩm quyền phát hiện.
Nếu thống kê cả những người chết hoặc bị thương nặng vì tai nạn lao động không được báo cáo hoặc phát hiện như trường hợp của người bạn đồng nghiệp tôi kể, chắc con số sẽ lớn hơn nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét