Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Người lao động được hưởng lợi thế nào từ Luật BHXH sửa đổi?

Một trong những điểm mới nổi bật là tại điều 60 Luật này, diện người lao động được hưởng BHXH một lần sẽ được thu hẹp, số còn lại có đóng BHXH phải đợi đến tuổi hưu sẽ nhận được lương hưu.

Liên quan đến vụ việc công nhân tại Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Tân Bình-thành phố Hồ Chí Minh) đình công trong 2 ngày 26-27/3 để đòi được nhận trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo thông tin, giải đáp thắc mắc về điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo đó, việc hạn chế nhận trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là nhằm bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động. Trước thông tin về vụ việc này cũng như những thắc mắc về quy định mới của luật BHXH, báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, Đoàn luật sư TP HCM.
Thưa luật sư, theo sửa đổi luật bảo hiểm xã hội mới thì hợp đồng từ bao nhiêu tháng được đóng bảo hiểm xã hội?
Theo quy định điểm a, b khoản 1 điều 2 Luật BHXH năm 2014 thì: Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
So với quy định hiện hành thì quy định mới này có gì khác?
Luật BHXH (sửa đổi) lần này mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người lao động có hợp đồng lao động 01-03 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Luật hóa một số nhóm đối tượng đã được thực hiện theo các quy định hiện hành: học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

Một trong những điểm mới nổi bật là tại điều 60 Luật này, diện người lao động được hưởng BHXH một lần sẽ được thu hẹp, số còn lại có đóng BHXH phải đợi đến tuổi hưu sẽ nhận được lương hưu. Trường hợp lao động không có thời gian làm việc liên tục sẽ bảo lưu thời gian đóng BHXH và tiếp tục đóng khi có việc mới.
Theo ông, với những quy định mới này, người lao động sẽ được hưởng lợi như thế nào và có những bất cập gì?
Theo các nhà chức trách, các quy định mới hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài, có lợi cho người lao động về sau. Lợi ích đầu tiên nhằm khuyến khích người lao động tích lũy thời gian đóng BHXH để có thể hưởng lương hưu hằng tháng khi về già, hết tuổi lao động thay vì nhận BHXH một lần.
Tuy nhiên, một thực tế nghề lao động phổ thông có một vài đặc thù, như tính ổn định công việc không cao (hảy nhảy việc), thu nhập thấp, cuộc sống thực tế gặp nhiều khó khăn. Nên, khi nghỉ việc hay cần thay đổi nghề nghiệp, họ cần phải có một khoản tiền để lập nghiệp hay trang trải cuộc sống cho môi trường mới...chưa nói đến họ sẽ không có khả năng đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu khi nghỉ việc.
Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp nợ bảo hiểm rất nhiều, hiện tại chế tài xử phạt là như thế nào? Việc xử lý các doanh nghiệp trốn bảo hiểm có phức tạp hay ko?
Theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì hành vi “Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp” cuả Người sử dụng lao độ sẽ bị Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng.
Trường hợp công nhân, nhân viên muốn kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm thì làm thế nào để gửi đơn kiện tới đâu, do ai xử lý?
Điều 119 Luật BHXH 2014 quy định như sau: Trình tự giải quyết khiếu nại về bảo hiểm xã hội
1. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
2. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì người khiếu nại có quyền lựa chọn một trong hai hình thức sau đây:
a) Khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm. Trường hợp cơ quan, người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết;
b) Khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp người khiếu nại được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
4. Thời hiệu khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Xin ông cho biết, chủ doanh nghiệp ngoài chịu phạt hành chính về tội trốn đóng bảo hiểm cho công nhân, nhân viên thì có bị phạt xử lý hình sự không?
Khoản 2 điều 122 Luật BHXH quy định: “Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Xin cảm ơn luật sư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét