Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

DN nợ BHXH hàng nghìn tỷ đồng: Có thể xử lý hình sự người đứng đầu

Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho rằng, để xử lý doanh nghiệp (DN) cố tình nợ đọng BHXH, BHYT của người lao động (NLĐ), chỉ còn cách xử lý hình sự.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc BHXH Việt Nam) cho rằng, có hai cách để xử lý số tiền DN nợ BHXH, BHYT. Cụ thể, đối với những DN đã bị tòa xử nhưng vẫn cố tình không nộp, nên khởi tố hình sự theo một tội danh khác trong Bộ luật Hình sự.
Theo ông Sơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị họp để thông qua việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó sẽ có quy định xử lý hình sự đối với những DN cố tình nợ BHXH, BHYT. “Trước khi Quốc hội họp (vào tháng 10 tới) để thông qua, đối với những DN đang hoạt động cố tình nợ đọng BHXH, BHYT thì nên khởi tố hình sự theo một tội danh cụ thể trong Bộ luật Hình sự hiện hành”, ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, đối với DN đầu tư nước ngoài đã bỏ trốn mà đang nợ đọng BHXH, BHYT của NLĐ, cơ quan chức năng nên tái cơ cấu lại khoản nợ, hay nói cách khác là xóa nợ, để giảm số nợ đọng BHXH, BHYT, vì đây là tình huống bất khả kháng. 
BHXH Việt Nam cho biết, năm 2014, trong số 219 vụ có bản án, quyết định của tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án, chỉ có 143 vụ được giải quyết, còn 76 vụ chưa được thi hành án, chiếm 34,7%.
Thực tế, theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, trong 5 năm gần đây, ngành BHXH đã khởi kiện trên 5.000 vụ nợ BHXH, BHYT, tổng số tiền thu được gần 1.000 tỷ đồng.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, thực tế, có những trường hợp người sử dụng lao động hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia đóng BHXH, BHYT cho NLĐ, nhưng lại cố tình không đóng BHXH, BHYT hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn, hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp, nên cố tình nợ BHXH, BHYT.
Khởi tố hình sự, DN sẽ thôi nợ đọng bảo hiểm
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM cho rằng, khởi kiện ra tòa dân sự đối với hành vi chiếm dụng BHXH, BHYT là cần thiết và đúng luật, nhưng việc các cơ quan chức năng kết luận hành vi chiếm dụng tiền BHXH không đủ cơ sở khởi tố hình sự là chưa hợp đạo lý. Do tiền BHXH của NLĐ bị chiếm dụng, nên họ sẽ không có sổ BHXH, không được Nhà nước chăm lo khi ốm đau, thai sản, bị tai nạn lao động... “Hành vi cố tình chiếm dụng tiền BHXH gây thiệt hại nghiêm trọng cho NLĐ”, ông Sang nói.
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cũng cho rằng, tiền BHXH của NLĐ nên chia ra làm hai phần: 17% là tiền của chủ DN và 6% là tiền của NLĐ. Số tiền 6% mà DN thu của công nhân rồi chiếm dụng không nộp cho BHXH phải được coi là hành vi nghiêm trọng phải bị xử lý hình sự.
Trao đổi với PV Tiền Phong, luật gia Minh Trí, Hà Nội cho biết, tuy Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định tội danh cụ thể nào liên quan đến BHXH nhưng hoàn toàn có thể vận dụng để xử lý hình sự trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng. “Đối với cơ quan BHXH thì DN là một pháp nhân “nợ” tiền BHXH, chỉ có thể khởi kiện dân sự để thu hồi số nợ, nhưng đối với NLĐ thì ban giám đốc, người đại diện trước pháp luật và kế toán trưởng là những người có những quyết định chiếm giữ số tiền 6% trích từ lương của NLĐ giữ lại mà không nộp cho BHXH theo quy định là hành vi trái pháp luật”, vị luật gia này nói.
Cũng theo ông Trí, hành vi trên có dấu hiệu “chiếm giữ trái phép tài sản” (quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự), và NLĐ chính là bị hại trong vụ án, bị xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp. Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét